"Nói là bạc, im lặng là vàng, lắng nghe là kim
cương"
Vậy thế nào là lắng nghe?
Để hiểu rõ khái niệm, bạn hãy làm bài tập sau đây: Nhắm mắt
lại 1 phút. Bạn nghe được gì? Những gì bạn nghe được là đó gọi là nghe thấy.
Nghe thấy là quá trình sóng âm đập vào màng nhĩ và chuyển lên não. Nghe thấy là
quá trình hoàn toàn tự nhiên từ khi bạn sinh ra đã như vậy rồi. Lúc bạn ngủ thì
quá trình đó vẫn xảy ra.
Bây giờ bạn hãy làm bài tập thứ hai: Nhắm mắt lại và cố nghe
xem người ở phòng bên cạnh đang nói gì? Đây chính là quá trình lắng nghe. Quá
trình này nối tiếp ngay sau quá trình nghe thấy. Nó biến đổi sóng âm thanh
thành ngữ nghĩa. Quá trình này cần sự tập trung và chú ý rất cao.
Như vậy lắng nghe là quá trình tập trung chú ý để giải mã
sóng âm thanh thành ngữ nghĩa.
"Ba tuổi đủ để học nói nhưng cả cuộc đời không đủ để
biết lắng nghe". Có miệng không có nghĩa là biết nói. Có mắt không có
nghĩa là biết đọc. Có tay không có nghĩa là biết viết. Vậy có tai đâu có nghĩa
là biết lắng nghe. Ta được học nói, học đọc, học viết rất nhiều. Vậy ta học
lắng nghe ở đâu và ai dạy ta? Một kỹ năng mà chiếm đến 53% thời gian giao tiếp
lại không được dạy. Từ bé ta được dạy nói, dạy đọc, dạy viết rất nhiều. Nhưng
lắng nghe ta chỉ được dạy vẻn vẹn có vài câu: "Con phải biết nghe lời bố
mẹ!", "Có nghe không thì bảo?!" Nhưng làm thế nào để nghe hiệu
quả thì không bao giờ được dạy.
Thiên nhiên cho ta 2 tai chỉ để dùng mỗi một việc là lắng
nghe. Đôi khi ta dùng vào việc phụ như đeo khuyên tai, hay để cho người khác
kéo tai. Còn chỉ có mỗi một cái miệng để nói, để ăn và rất nhiều việc phụ khác
nữa. Phải chăng ta nên nói ít và nghe nhiều gấp đôi. Khi ta có kỹ năng lắng
nghe tốt thì công việc sẽ thuận lợi hơn, cuộc sống gia đình vui vẻ hơn, giải
quyết xung đột dễ dàng hơn.
"Nói là gieo, nghe là gặt". Nhưng một thực tế đáng
buồn là ta dùng hơn một nửa thời gian giao tiếp cho lắng nghe mà hiệu quả chỉ
đạt 25 – 30%. Nếu ta thực tế ta đi gặt mà như vậy thì chắc là... chết đói. Vậy
ta còn 75% tiềm năng nữa chưa khai thác. Nếu bạn là nhà đầu tư khôn ngoan thì
tôi tin chắc bạn sẽ đầu tư vào mảnh đất tiềm năng 75% này.
Vậy điều gì làm ta nghe không hiệu quả?
Thái độ lắng nghe chưa tốt: Điếc hơn người điếc là người
không muốn nghe. Ta thường hay ngộ nhận là ta biết rồi nên không muốn nghe hoặc
chỉ nghe một phần, nhưng đến khi cần nhắc lại thì ta lại không nhớ. Tệ hại hơn
nữa là ta chỉ nghe xem đối tác có gì sai, xấu để phản ứng lại.
Không chuẩn bị: Để nói một điều gì ta chuẩn bị rất kỹ tất cả
các phương án. vậy mà trong giao tiếp ta chưa bao giờ chuẩn bị lắng nghe cả.
Không chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại. Đó chính là nguyên nhân làm ta nghe
kém hiệu quả.
Lắng nghe như thế nào?
"Cuộc hành trình ngàn dặm bắt đầu từ một bước
nhỏ". Để nghe hiệu quả bước đầu chúng ta cần thay đổi một số thói quen
nhỏ:
Thay đổi thái độ: Muốn lắng nghe hiệu quả thì đầu tiên phải
Muốn. Nếu không muốn lắng nghe thì mọi kỹ năng đều vô ích.
Thay đổi cử chỉ: Thay vì nhìn lơ đãng thì hãy chú ý vào
người nói thể hiện sự mong muốn lắng nghe. Gật đầu hòa nhịp cùng người nói. Vẻ
mặt thể hiện sự hào hứng lắng nghe. Đơn giản ta có thể tổng kết bằng một câu:
"Mắt chớp chớp, mồm đớp đớp, mặt hóng hớt, đầu gật như lạy phật".
Thay đổi lời nói: Thay vì ngồi im thì hãy thể hiện cho người
nói biết mình đang lắng nghe họ bằng những tiếng đế: "Tuyệt! Hay quá! Ối
giời ơi!..."; tiếng đệm: "Dạ! Vâng!..."; hoặc câu hỏi: "Vậy
à? Thế á? Cái gì cơ? Thật không? Gì nữa?...". Đơn giản hóa ta có thể tổng
kết bằng một câu: "Thế á! Thật không? Ối giời ơi!".
Theo Tâm Việt
http://kynangsong.xitrum.net/congso/91.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét